Mỗi khi xuân về, cả 54 dân tộc trên khắp miền đất hình chữ S đều háo hức đón chào một mùa Tết đầy hứng khởi. Từ vùng Bắc Bộ đến Tây Nguyên, từ miền Trung đến Nam Bộ, những ngày cuối năm luôn được tô thêm sắc màu bởi những phong tục đón Tết độc đáo, thú vị và đậm chất truyền thống mang nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Trong video ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng bắt đầu hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa đa dạng của Việt Nam qua những nét độc đáo trong việc đón Tết của 54 dân tộc anh em bạn nhé.

Tết của người Kinh

Tết Nguyên Đán hay Tết cổ truyền là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Kinh, dân tộc đông dân nhất của Việt Nam. Mỗi lần Tết về là thời điểm để người Kinh cùng gia đình tụ họp, thể hiện lòng thành kính với cội nguồn tổ tiên và tạo kết nối sâu sắc với người thân và bạn bè. Cũng chính là một ngày lễ quan trọng nên xoay quanh việc đón Tết, người Kinh cũng có rất nhiều phong tục truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc.

Tết nguyên đán của người Kinh thường chính thức diễn ra là vào ngày mùng 1, tháng Giêng âm lịch và kéo dài đến khoảng mùng 5. Tuy nhiên từ khoảng 1 tuần trước đó, người Kinh đã nô nức sắm sửa, chuẩn bị cho một năm mới bình an và thịnh vượng.

Ngày 23 tháng Chạp là lúc người Kinh dọn dẹp lại nhà cửa, bàn thờ và tiễn ông Công ông Táo về trời.

Từ ngày 25 – 28 không khí chợ Tết vô cùng tấp nập khi nhà nhà, người người cùng đi chợ hoa, mua đào mua quất về trang hoàng cho nhà mình. Bên cạnh đó nhắc đến Tết cổ truyền của Việt Nam thì không thể nào thiếu Bánh Chưng. Có những gia đình tổ chức gói bánh chưng từ độ 27 tháng chạp để kịp thắp hương cúng ông bà tổ tiên trong đêm Tết Tất Niên vào ngày 30.

Một trong những phong tục đặc trưng của Tết người Kinh đó là làm cơm thờ cúng tổ tiên và mong cầu cho một năm mới tràn đầy may mắn. Tùy vào từng vùng miền thì những mâm cơm ngày Tết có thể sẽ khác nhau. Chẳng hạn như phong tục đón tết của miền Bắc, mâm cỗ ngày tết sẽ được bày biện một cách tỉ mỉ, trên mâm phải có ít nhất 4 bát 4 đĩa tượng trưng cho 4 mùa, tứ phương. Hay mâm cỗ Tết miền Nam thì thường có canh khổ qua nhồi thịt mang ý nghĩa vượt qua khổ đau của năm cũ và thịt kho hột vịt tượng trưng cho đất cho trời, cầu cho một năm mới trọn vẹn.

Trong các ngày Tết người Kinh thường mặc áo mới, trao cho nhau những lời chúc may mắn và trẻ con sẽ được nhận lì xì.

<<<Xem thêm: Du lịch Quảng Ninh 2024 – Kinh nghiệm viếng chùa Yên Tử ngày Tết phải nằm lòng

Tết của người Thái

Tết của người dân tộc Thái, mang những nét độc đáo với nhiều phong tục độc đáo, đa dạng tạo nên một mùa lễ hội tràn đầy ý nghĩa. Dân tộc Thái là một trong những dân tộc thiểu số tại Việt Nam, thường sinh sống ở các tỉnh miền núi như Lai Châu, Nghệ An, Hòa Bình và một số vùng khác. Tết của họ thường kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

Cũng giống như với người Kinh, mâm cơm ngày Tết của người Thái là một phần quan trọng không thể thiếu. Dù cho năm cũ có ra sao thì mâm cơm tết của người Thái phải bao gồm nhiều món ăn đặc trưng như cơm mới, xôi, cơm cốm, cá chua, thịt hươu, măng khô, nai khô, và nhiều món ăn khác. Bên cạnh đó, món bánh chưng truyền thống của người Thái cũng được làm theo cách riêng khác hoàn toàn so với những loại bánh chưng thông thường. Bánh chưng của người Thái được làm thành hai loại trắng và đen, sau đó rắc thêm một xíu vừng để làm dậy vị cho món bánh.

Phong tục cúng tổ tiên và gọi hồn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết của người Thái. Vào đêm 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình người Thái sẽ bày mâm cúng để “gọi hồn” người đã khuất về ăn Tết với con cháu trong nhà. Thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ này bằng việc lấy một chiếc áo của mỗi thành viên trong gia đình, buộc lại với nhau và vắt lên vai, sau đó thắp lửa để “gọi hồn.” Ngoài ra, họ còn buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi người trong gia đình nhằm loại trừ tà ác. Và điều quan trong trong phong tục đón Tết của người Thái này đó là phải đợi cho sợ chỉ tự đứt; nếu có người tự ý giật đứt sợi chỉ, người đó có thể mắc bệnh hoặc gặp xui xẻo trong năm mới.

Đêm 30 giao thừa, người Thái sẽ quây quần bên bếp lửa, ăn uống và trò chuyện với nhau. Phong tục này trong tiếng thái còn được gọi là “Pông Chay”. Xuyên màn đêm, đèn trong nhà luôn phải thắp sáng, và nhang thì cũng không được tàn. Đợi cho đến lúc giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ đặt đồ cúng tại bàn thờ và đọc bài cúng “Chào đón tổ tiên xuống tề tựu.”

Tết của người dân tộc Thái không chỉ là một dịp để kỷ niệm và thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và thần linh, mà còn là một lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa và tương tác xã hội sâu sắc. Những nét độc đáo và sâu sắc này tạo nên vẻ đẹp văn hóa của người dân tộc Thái, đồng thời làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng và đa văn hóa của Việt Nam.

<<<Xem thêm:Kinh nghiệm đi máy bay ngày Tết – những sai lầm ai cũng mắc phải nhưng chưa ai nhắc bạn

Tết của người H’Mông

Tết của người dân tộc H’Mông có một điểm đặc biệt là họ thường tổ chức theo hệ lịch riêng của mình. Người H’Mông dục dịch chuẩn bị đón Tết từ ngày 30/11 âm lịch và nó sẽ diễn ra trong suốt một tháng tiếp theo. Thế nhưng hiện nay, một phần người H’Mông đã áp dụng lịch dương và ăn Tết cùng ngày chung với người Kinh. Tuy vậy, vẫn còn một số người H’Mông ở Mộc Châu thì vẫn duy trì theo hệ lịch riêng của họ.

Trước khi đón chào Tết, người H’Mông thường tiến hành sửa sang và thay mới bàn thờ gia tiên, làm bánh dày, và thắp hương. Họ tôn thờ hai bếp chính trong nhà. Do đó họ sẽ thắp hương liên tục trong 3 ngày Tết chính nhằm duy trì ngọn lửa trong gia đình để đuổi thú dữ và tà ma.

Vào đêm 30, mỗi gia đình H’Mông thực hiện lễ cúng ma nhà bằng việc đem một con lợn sống và một con gà trống tơ sống để cúng. Sau lễ cúng, họ giết thịt lợn và gà, sau đó lại sắp xếp những món ăn đó lên mâm thịt chín để cúng tổ tiên. Và cuối cùng họ sẽ thụ lộc và ăn mừng vào đêm giao thừa đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Vì đối với người H’Mông, tiếng gà gáy vào buổi sáng mùng 1 là báo hiệu cho một năm mới hứng khởi vừa mới bắt đầu.

Một trong những lễ hội đặc biệt trong Tết người H’Mông là lễ Sầu Su và Gầu Tào. Sầu Su là một lễ hội được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm cũ. Theo đó, Lễ hội này là dịp để các trai làng, gái bản có cơ hội để tìm hiểu nhau thông qua các hoạt động ném pao và giao lưu văn nghệ. Mặt khác lễ hội Gầu Tào hay Sải Sán lại mang ý nghĩa tạ ơn tổ tiên về một mùa màng tốt lành trong năm cũ và cầu cho năm mới được thịnh vượng, gia đình ấm êm.

Ngoài những phong tục độc đáo và lễ hội truyền thống, Tết của người H’Mông còn có những quan niệm tâm linh đặc biệt. Người H’Mông thường kiêng ăn rau vào dịp Tết, vì họ tin rằng năm mới sẽ không được dư giả, cả năm chỉ được ăn rau. Bên cạnh đó, người H’Mông cũng kiêng việc gọi nhau dậy vào buổi sáng mùng 1, vì họ tin rằng tiếng gọi này sẽ làm sâu bọ thức dậy và gây hại cho mùa màng. Cuối cùng, tiếng huýt sáo cũng là một điều tối kỵ trong Tết của người H’Mông, vì người H’Mông tin rằng tiếng sáo có thể đánh thức sự tức giận của thiên nhiên và gây ra mưa bão.

<<<Xem thêm:Du lịch Đà Nẵng dịp Tết 2024 – Bí kíp cho chuyến du xuân hoàn hảo

Tết của người Mường

Lịch của người Mường lại hơi khác so với người Kinh, người Mường thường tính lịch theo tuần trăng “ngày lui, tháng tới”. Tức theo lịch của đồng bào Mường, các ngày từ 1 – 10 là “ngày cây”, 11 – 20 là “ngày lồng” và ngày 21 – 30 là “ngày cuối”. Người Mường thường ăn Tết vào cuối tháng Chạp của năm cũ cho đến đầu tháng Giêng của năm mới.

Cũng giống như đại đa số những dân tộc tại Việt Nam khác, những ngày giáp Tết người Mường thường bắt đầu sửa soạn và lau chùi nhà cửa. Họ sẽ đánh bóng các đồ đồng trên bàn thờ, nấu bánh, tắm rửa và xúng xính những bộ đồ mới để ăn mừng dịp Tết truyền thống.

Trong phong tục đón Tết của người Mường, họ sẽ mời thầy cúng về lận dàn cầu cho những linh hồn đã mất được siêu sinh tịnh độ. Bên cạnh đó, theo quan niệm truyền thống của người Mường, phải tích đủ vía vào dịp cuối năm thì khi bước sang năm mới, con cái, gia đình mới đủ vía để khỏe mạnh. Do đó Lễ họp vía cũng là một văn hóa không thể thiếu trong Lễ Tết của người Mường.

Vào chiều ngày 30 tháng Chạp, khắp bản người Mường vang vọng tiếng trống và công rộn ràng, như một báo hiệu cho một năm nữa sắp qua đi. Sau hồi chuông báo dài, bà con đồng bào sẽ tập trung tại nhà quan Lang, sắp xếp lễ vật lên bàn thờ và mờ thầy cúng hành lễ đón mừng năm mới, xong xuôi tất cả thì mọi người mới trở về nhà.

<<<Xem thêm:Du lịch Ninh Bình tự túc 2023 – Kinh nghiệm viếng chùa Bái Đính ngày tết

Tết của người Tày

Để đón năm mới, người Tày thường bắt đầu với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Chậu quất, cành đào, những câu đối đỏ là những chi tiết không thể thiếu trong căn nhà người Tày mỗi dịp Tết đến xuân về. Lúc này, người đàn ông trong gia đình người Tày thường thực hiện nghi lễ thay tro mới cho bát hương trên bàn thờ. Tro này phải là tro lúa nếp đã được sàng sảy kỹ càng để đảm bảo không có bất kì thứ ô uế nào có thể bám trong bát hương của gia đình. Bên cạnh đó, bánh chưng là một phần không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt, và người Tày cũng nấu bánh chưng theo phong cách riêng của họ. Từ nhân bánh, đến cách gói và ép bánh chưng đều có sự khác biệt so với người Kinh. Cây nêu là một biểu tượng quan trọng trọng dịp Tết của người Tày. Vào mỗi mùa Tết cây nêu được cắm trước nhà để trừ tà ma, mang lại sự bình an cho các thành viên trong gia đình vào năm mới. Đếu chiều tối ngày 30 tức đêm Tất Niên, các gia đình bắt đầu làm mâm cơm cúng tổ tiên. Họ thắp hương, dâng lễ và thời thổ thần cùng tổ tiên trong nhà về để cùng ăn tết. Sau khi hết tuần hương, các thành viên trong gia đình sẽ sum họp xin tạ lễ và quây quần bên nhau, ăn uống và bàn về những dự định trong năm mới.

Tết của người Tày còn có một phong tục, đó là cứ vào rạng sáng ngày mùng 1 Tết hàng năm, người Tày sẽ đi xin nước mới. Họ tin rằng, nước mới đầu năm là tinh khiết và sạch sẽ nhất nên có thể mang lộc về nhà, cầu cho một năm mới làm ăn phát đạt, mọi sự bình an.

<<<Xem thêm:Du lịch Phú Quốc tự túc 2024 – Kinh nghiệm vui chơi ngày tết không lo về giá

Tết của người Cơ Tu

Tết của người dân tộc Cơ Tu là một ngày hội tràn đầy sắc màu và ý nghĩa văn hóa độc đáo. Đầu năm mới, khi nông sản đã được thu hoạch và cất giữ, người Cơ Tu trở về quê hương để đón Tết cùng gia đình. Họ ủ rượu cần và giã gạo, hái lá đót để gói bánh cuốt, sử dụng lá chuối rừng để gói bánh tét và bánh chưng, tạo nên bữa ăn ngon và độc đáo.

Trong ngày Tết, việc uống rượu cần trở thành một nghi lễ riêng biệt, với việc dùng một cái cần duy nhất để hút rượu, thể hiện sự mời mọc và lòng hiếu thảo đối với khách. Người Cơ Tu còn tham gia đánh cá tập thể và sử dụng cá này làm thực phẩm dự trữ cho dịp Tết.

Lễ cúng tổ tiên là một phần quan trọng trong lễ hội, thể hiện lòng thành kính và tôn vinh tổ tiên. Mùng 2 Tết, họ thường thăm nhà chị em gái hoặc con gái đã lấy chồng, tạo cơ hội để gia đình đoàn tụ và chia sẻ niềm vui. Cuối cùng, họ không quên cúng một ít muối để tưởng nhớ những khó khăn đã trải qua và coi hạt muối như máu trong người.

Tết của người Cơ Tu thể hiện sự duy trì và thể hiện giá trị truyền thống, lòng thân thiết, và lòng hiếu thảo trong cộng đồng. Đây là một phần quan trọng của sự đa dạng văn hóa của Việt Nam, và nó tạo ra một dịp đầy ý nghĩa để tôn vinh tổ tiên và đón chào một năm mới tràn đầy hy vọng.

<<<Xem thêm:Kinh nghiệm viếng Chùa Bà trên núi Bà Đen ngày tết nhất định phải biết nha!

Tết của người Dao

Tết của người Dao đỏ Lào Cai là một ngày hội quan trọng và đậm đà về mặt văn hóa, kết nối mọi thành viên trong cộng đồng Dao và tôn vinh các giá trị truyền thống. Chuẩn bị cho Tết bắt đầu từ giữa tháng Chạp, khi đồng bào Dao bắt đầu làm đồ lễ và chuẩn bị các nghi lễ quan trọng. Một trong những phần không thể thiếu của lễ cúng Tết là việc mổ lợn. Gia đình nào có điều kiện thường mổ từ 2 đến 3 con lợn, hoặc ít nhất cũng mổ một con để làm các mâm cơm cúng Tết. Lợn sau khi mổ được chế biến và cắt thành 3 phần: đầu, 2 đùi trước và 2 đùi sau, cùng với 6 chiếc bánh dày, 3 chén nước, 1 chén rượu và 1 bát hương, tiền giấy (giấy bản) đặt lên bàn cúng. Thầy cúng, là người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng, sẽ thay mặt gia chủ tiến hành lễ cúng. Trong lễ cúng này, họ báo cáo thành quả lao động, sản xuất của gia đình trong năm cũ và cầu nguyện cho một năm mới đầy thịnh vượng, may mắn và bình an. Đây là dịp để tôn vinh ông bà tổ tiên, nhắc nhở về truyền thống và giữ gìn các giá trị văn hóa của người Dao.

Sau khi kết thúc lễ cúng Tết, đồ lễ được gia đình sử dụng để làm các mâm cơm Tết. Ngày này, gia đình mời anh em, họ hàng và người thân đến tham gia bữa ăn chia sẻ niềm vui và tình thân. Lễ cúng Tết không chỉ là dịp để tôn vinh tổ tiên mà còn để kết thúc năm cũ và đón một năm mới đầy hy vọng.

Trong ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình quây quần lại bên nhau, chuẩn bị cho đêm giao thừa ấm cúng. Họ lựa chọn trang phục truyền thống Dao đẹp nhất để đón giao thừa.

Sáng mùng 1 Tết, người Dao thực hiện nghi lễ hái lộc đầu xuân, với hy vọng một năm mới tràn đầy tài lộc và may mắn. Các thành viên trong gia đình ra ngoài và tới một gốc cây ở hướng Đông để thực hiện nghi thức này. Đây là một nghi lễ quan trọng để khởi đầu một năm mới thuận buồm xuôi gió, đem lại sự thịnh vượng và tài lộc cho gia đình Dao.

Trong những ngày Tết, gia đình Dao có thể tụ tập tại nơi sinh hoạt cộng đồng, thường là một bãi đất rộng hoặc nhà văn hóa thôn bản. Tại đây, họ ôn lại truyền thống và phong tục văn hóa của dân tộc mình. Thanh niên tham gia vào các hoạt động như hát ca, nhảy múa, và chơi các trò chơi dân gian. Đây cũng là dịp để những đôi trai gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu và tạo dựng mối quan hệ, thậm chí đã nên duyên vợ chồng qua những buổi gặp gỡ xuân đầy ý nghĩa. Tết của người Dao đỏ Lào Cai không chỉ là dịp để kỷ niệm và tôn vinh truyền thống, mà còn là thời điểm để xây dựng và củng cố mối quan hệ xã hội và gia đình, đem lại sự gắn kết trong cộng đồng Dao và bảo tồn những giá trị quý báu của họ.

<<<Xem thêm:Top những lễ hội lớn ngày tết tại các tỉnh miền bắc nhất định phải thử 1 lần

Tết của người Khmer

Không giống với đại đa số các anh em dân tộc trên mảnh đất hình chữ S, người Khmer đón Tết theo Phật Lịch. Điều này thì đồng nghĩa với việc cứ đến trung tuần của tháng tư dương lịch hàng năm, đồng bào dân tộc Khmer lại nô nức đón mừng lễ hội đón chào năm mới – Tết Chôl Chnăm Thmây. Bởi theo quan niệm của người dân Khmer, đây là thời điểm trời đất dung hòa, vạn vật tươi tốt khi mùa nắng dần lui về và mùa mưa bắt đầu, khởi nguồn cho một năm mới đầy hứng khởi.

Ngày Tết chính của người Khmer thường diễn ra trong 3 ngày từ 14/4 – 16/4 dương lịch. Trong 3 ngày lễ này, người Khmer cũng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị mâm cỗ cúng để đưa tiễn Thần Têu-va-đa cũ và rước vị thần Têu-va-da mới xuống cai quản đất đai nhà cửa trong gia đình. Khá giống với những mâm cỗ Tết khác, cỗ Tết của người Khmer thì không thể thiếu được bánh tét, bánh ít và bánh gừng, tượng trưng cho một năm mới đủ đầy, làm ăn phát tài phát lộc.

Sau khi các nghi lễ đón Tết trong nhà đã tươm tất, bà con Khmer khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, mang theo nhang đèn và vật phẩm đi lễ chùa làm lễ Ma-ha-sang-kran hay lễ rước đại lịch. Sang đến ngày Tết thứ 2 người dân Khmer làm lễ dâng huê đến Chư Tăng và đắp núi cát Puôn – Paum – Khsách để cầu tài cầu phúc cho một năm mới làm ăn thuận lợi. Và ngày thứ 3 của lễ Chôl Chnăm Thmây cũng là ngày quan trọng nhất còn được gọi là “Lơn – sắtk”. Đây là ngày mà Chư tăng cùng các Phật tử thực hiện nghi lễ tắm tượng Phật, gột rửa những điều xui rủi trong năm cũ và đón chào một năm mới an lành, hạnh phúc đang chờ trước mắt. Ngoài các nghi lễ truyền thống thì trong tết Chôl Chnăm Thmây, người Khmer còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa giải trí khác như múa Apsara, đua ghe, thả đèn nước trên sông,…

Trải dài khắp vùng đất hình chữ S, 54 anh em dân tộc Việt dù có nền văn hóa chung, nhưng mỗi cộng đồng lại mang trong mình những bản sắc, phong tục đón Tết riêng biệt, tạo nên một mùa lễ hội đa sắc màu.

<<<Xem thêm:Vinwonders Hà Nội – chi tiết bảng giá và hướng dẫn cách vui chơi toẹt ga

Thêm bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *